Thưa ông, giá mặt hàng sữa đã liên tục tăng rất vô lý và ai cũng biết nhưng tại sao nó lại diễn ra trong suốt một thời gian dài như vậy?- Có rất nhiều nguyên nhân, song trước hết là do sữa nội trong nước của chúng ta chưa vươn lên được. Hiện sữa nội mới đang chỉ chiếm 20% thị phần còn 80% vẫn đang phải phụ thuộc vào sữa nhập khẩu. Đây chính là cơ sở để sữa ngoại tăng giá, bắt chẹt người tiêu dùng.

Giá sữa: Ai cũng quản, không ai chịu trách nhiệm - 1

Việc quản lý giá sữa còn đầy rẫy bất cập khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt hại.

Nhưng sữa từ lâu vẫn là mặt hàng thuộc diện quản lý, kê khai, đăng ký giá, thưa ông?

- Chúng ta có rất nhiều các văn bản về quản lý giá sữa "không đếm xuể" nhưng đáng tiếc là các văn bản này chồng chéo, không quy trách nhiệm cụ thể cho một bộ ngành nào. Các nước chỉ có một nơi quản lý "từ đầu đến chân" mặt hàng sữa như Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính quản lý giá vậy, còn ta thì bộ nào cũng lan tỏa được vào lĩnh vực giá nếu thấy... thuận lợi, cần thiết nên quản lý giá của ta không hiệu quả, nhiều ngành đấy nhưng không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm cụ thể, dễ xảy đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm...

Nhưng việc giá sữa tăng vô tội vạ suốt thời gian dài như vậy, không thể đổ lỗi hết cho luật, bởi con người làm ra luật?

- Đúng như vậy. Luật giá đã yêu cầu, các sản phẩm sữa cho trẻ em phải kê khai giá, đăng ký nhưng thông tư hướng dẫn của luật này đến cả năm chưa ra nổi thì điều hành thế nào?! Đùng một cái sữa lại thay tên đổi họ thành sản phẩm công thức, thức ăn dinh dưỡng đã khiến các doanh nghiệp ào ào tăng giá mà chẳng có "barie" nào ngăn chặn. Với mặt hàng sữa, chúng ta đang chỉ chạy theo "sự vụ" đó là thấy sữa tăng giá vù vù thì sợ quá và dùng các biện pháp hành chính để quản lý nó, chứ không đi từ gốc, từ bản chất của nó là chi phí, giá thành...

Nói như vậy thì giá sữa sẽ không thể quản lý nổi?

- Chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì những gì thiết yếu với đời sống người dân thì Nhà nước phải nắm. Tôi thấy buồn cười vì mặt hàng đường, thủy hải sản đông lạnh thì được đưa vào diện hàng bình ổn giá, vô cùng tốn kém mà chả ích gì, trong khi sữa thì lại bị bỏ lơ, trong khi sữa cần phải được quản lý chặt, chỉ đứng sau thuốc chữa bệnh.

"Tư nhân kinh doanh sữa lãi như thế tại sao doanh nghiệp Nhà nước lại không quan tâm, không "nhảy vào"?! Nếu tôi làm Bộ trưởng tôi sẽ giao cho cả một số doanh nghiệp Nhà nước làm.”

Ông Vũ Vinh Phú

 

Sau khi Bộ Y tế có thông báo sản phẩm sữa chuyển thành sản phẩm thức ăn công thức, dinh dưỡng lẽ ra Bộ Tài chính phải chuyển chính sách nhanh để bắt buộc đưa các mặt hàng này vào diện quản lý thì lại không làm. Chính các bộ ngành đã không chuyển mình kịp theo cái "lách" của doanh nghiệp. Không chỉ sữa mà nhiều mặt hàng của ta đang bị quản lý nhưng lại không theo kịp với sự vận động của hàng hóa. Do vậy, tôi cho rằng nếu không thay đổi cung cách quản lý thì chắc chắn chúng ta không quản lý được giá, ở đây là mặt hàng sữa.

Vậy theo ông "thay đổi cung cách quản lý" ở đây là thế nào?

- Trong nước, chúng ta có hải quan, thuế, quản lý thị trường. Ở nước ngoài, chúng ta có thương vụ, sứ quán. Vậy tại sao chúng ta không điều tra giá xem mặt hàng sữa nước ngoài họ bán thế nào, trong nước bán ra sao, nhập về giá thế nào... Trong hơn 500 mặt hàng sữa hiện nay, tại sao không xem mặt hàng nào thống lĩnh, chiếm thị phần lớn để bắt doanh nghiệp báo cáo và đưa vào diện điều tra.

Chính chúng ta đã không làm điều này. Chúng ta có các công cụ trong tay, kể cả áp thuế tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước. Các vấn đề như giá thành, chiết khấu, giá hải quan, chi phí quảng cáo đều có thể kiểm tra, kiểm soát cả, tại sao chúng ta không kiểm tra. Không kiểm soát được giá sữa là lỗi do ta, do hiệu năng quản lý kém, đùn đẩy nên sữa "béo" và "ngư ông đắc lợi".

Vậy cụ thể, giải pháp để ghìm cương "con ngựa sữa bất kham", theo ông là gì?

- Tôi cho rằng, sữa chỉ nên giao cho Bộ Tài chính quản lý. Đã đến lúc chúng ta cũng phải áp dụng điều tra (như Trung Quốc đã làm) giá thành mới quyết được việc sữa đã bị bán sai giá, bất hợp lý. Bộ Tài chính phải trở thành "tư lệnh giá", tự chịu trách nhiệm trước Nhà nước, người dân trong vai trò quản lý. Bên cạnh đó là đẩy sản xuất sữa trong nước lên. Các biện pháp như giảm thuế, phí cho sản xuất trong nước cần sớm được áp dụng để sữa nội vươn lên cạnh tranh được với sữa ngoại. Cuối cùng người tiêu dùng cần được hướng dẫn sử dụng sữa hợp lý, đặc biệt là sữa nội. Nếu không làm được những điều này, tôi nghĩ sữa ngoại sẽ còn hoành hành hàng chục năm nữa.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Mai Hương (Dân Việt)