Theo các chuyên gia kinh tế, sắp tới, thị trường nước ta nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng sẽ diễn ra các "cuộc chiến" khốc liệt. Với tiềm lực kinh tế lớn, các "ông lớn" ngoại quốc rõ ràng sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến và "thâu tóm" thị trường.

Thi nhau chiếm lĩnh thị trường bằng... tiền

Trong thị trường bán lẻ châu Á, có lẽ, chẳng ai còn lạ với "đại gia" Aeon, một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Trong lĩnh vực này, họ không chỉ nổi tiếng "mạnh" về tiềm lực tài chính, thương hiệu mà còn có quan hệ đối tác với rất nhiều "ông lớn" về bán lẻ trên thế giới.

Có mặt ở Việt Nam từ 3 năm trước, tuy nhiên, họ chủ yếu nghiên cứu thị trường để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" ồ ạt vào năm 2015. Vào tháng 1/2014, Aeon mới có một trung tâm mua sắm ở TP.HCM với số vốn đầu tư khổng lồ 100 triệu USD.

Bám lấy cái tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt Nam, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác. Theo kế hoạch của "đại gia" này, cuối năm 2014 sẽ mở thêm một trung tâm mua sắm ở Bình Dương và ở Hà Nội là vào khoảng đầu năm 2015. Thậm chí, không giấu giếm ý định "thống lĩnh" thị trường Việt, họ còn đặt mục tiêu, có 20 trung tâm thương mại vào năm 2020.

Với tiềm lực kinh tế nổi tiếng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang cảm thấy "lép vế" trước "đại gia" này.

"Đại gia" bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam - 1

Hàng loạt "cá mập" bán lẻ ngoại quốc đang tràn vào Việt Nam (ảnh minh họa).

Một con "cá mập" khác của Hàn Quốc thời gian qua cũng đang âm thầm gây dựng vị thế của mình ở Việt Nam phải kể đến là Lotte. Đặt chân vào nước ta từ năm 2007, nhưng đến cuối năm 2013, Lotte - tập đoàn bán lẻ tên tuổi thế giới của Hàn Quốc mới mở được 6 trung tâm thương mại trên cả nước.

Sau khi khai trương Lotte tại 229 Tây Sơn (Đống Đa - Hà Nội) với diện tích sàn hơn 20.000m2 vào tháng 3/2014, Tập đoàn này sẽ tiếp tục phát triển hệ thống trong tòa nhà Lotte Center (Ba Đình, Hà Nội). Đặc biệt, ở khu vực phía Nam, Lotte đã thuê lại toàn bộ Pico Plaza, tại số 20 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM).

Bên cạnh đó, cũng trong năm nay, các trung tâm thương mại tại Vũng Tàu, Cần Thơ... của Lotte sẽ đi vào hoạt động. Tất cả đều có diện tích sàn từ 10.000m2 trở lên và có vốn đầu tư 30-40 triệu USD/trung tâm.

Kế hoạch của Lotte là đến năm 2020 khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại. Nếu tính chi phí đầu tư mỗi trung tâm thương mại là 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ có thể lên tới hàng tỷ USD và chiếm vị trí hàng đầu tại Việt Nam.

Sau khi chứng kiến "miếng bánh" lớn là thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị nhiều tập đoàn nước ngoài nhòm ngó, mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) cũng lên tiếng, sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở nước ta.

Tập đoàn này không chỉ nhận thấy cơ hội làm ăn ở Việt Nam mà còn muốn tận dụng lợi thế của nhà nhập khẩu khi chúng ta tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Giữa năm 2013, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, đã có buổi làm việc với ông Philippe Longuet, Giám đốc điều hành Tập đoàn Auchan (Pháp).

Giám đốc Auchan cho biết, Auchan đã từng tìm đến thị trường Việt Nam, tuy nhiên do bối cảnh lúc bấy giờ liên quan đến những bất ổn về bất động sản và chỉ số lợi nhuận dự kiến thấp, Auchan đã phải từ bỏ mục đích đầu tư. Lần quay trở lại này, Auchan dự kiến sẽ đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tới. Các dự án đầu tư cụ thể sẽ được tiếp tục bàn thảo để đi đến lộ trình triển khai thực tế.

Auchan là một tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez, kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị. Hiện hoạt động kinh doanh của Auchan đã có mặt tại 15 nước trên thế giới.

Với nửa tỷ USD đổ vào Việt Nam như lời khẳng định của Giám đốc điều hành Auchan, nhiều chuyên gia khẳng định, đây sẽ là một đối thủ lớn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Năng lực tài chính vẫn là "tử huyệt"

Trao đổi với phóng viên Đời sống và Pháp luật, TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (bộ Tài chính) cho rằng, với 90 triệu dân, mức tăng trưởng 23% ở thị trường bán lẻ, Việt Nam đang được xem là "mảnh đất" có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

"Đại gia" bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam - 2

Thời gian qua, vì nhiều lý do mà tốc độ "xâm lấn" của các tập đoàn phân phối quốc tế vào Việt Nam chậm hơn dự báo. Tuy nhiên, không thể vì thế mà lạc quan vì bản thân các nhà phân phối trong nước cũng "lớn quá chậm" (Hình minh hoạ).

Đặc biệt, khi chúng ta gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp trong nước cần phải xác định sẽ có những cuộc đổ bộ ào ạt từ các doanh nghiệp nước ngoài vào. Và khi đó, một cuộc chiến khốc liệt ở thị trường bán lẻ sẽ là điều tất yếu.

 

Rõ ràng, trong cuộc chiến này, kẻ yếu về quản lý, năng lực sẽ bị những người có tiềm lực mạnh hơn thâu tóm. Nhìn từ phía các doanh nghiệp Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ "khổng lồ" trên có thể sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay kinh tế khó khăn.

Cũng theo vị chuyên gia này, rất dễ có thể nhìn nhận được những lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài. Không những có chiến lược phát triển hợp lý theo kiểu "đi tắt đón đầu" mà họ luôn tỏ ra "giàu có" về vốn.

Khi cần vốn, họ có thể huy động được nguồn vốn ở nước họ với lãi suất rất thấp, thấp hơn mặt bằng lãi suất ở Việt Nam nhiều. Nếu các doanh nghiệp Việt không có "đấu pháp" hợp lý thì ai cũng biết được kết quả của cuộc cạnh tranh này như thế nào.

Cùng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chính là tài chính và thiếu "chiến lược dài hơi", thiếu tầm nhìn.

Còn đối với các tập đoàn nước ngoài, khi bước chân vào Việt Nam, họ không chỉ xây dựng những trung tâm thương mại lớn mà chuyển sang đầu tư vào cả các cửa hàng tầm trung và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, họ bắt tay ngay vào xây dựng những thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất cung cấp hàng hoá cho họ. Điều này bao năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiện thực được, mà có làm được cũng rất chậm và manh mún.

Tuy nhiên, nhìn lại cũng thấy rằng, do không nhiều vốn nên doanh nghiệp nội không thể nào hợp tác với các doanh nghiệp khác hay các địa phương để phát triển các sản phẩm đưa vào bán trong hệ thống siêu thị được. Đây chính là những "tử huyệt" mà các tập đoàn ngoại quốc đang khoét vào để thống lĩnh thị trường.

Trước đây, trao đổi với báo giới, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng, trong phân khúc thị trường bán lẻ, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể bằng được các "ông lớn" ngoại quốc.

Trước đây, để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, bốn "đại gia" nội là Hapro, Satra, Phú Thái và Sài Gòn Co-op đã "bắt tay" xây dựng một thương hiệu lớn. Mục đích của việc làm này là tạo thế cân bằng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, 5-6 năm qua,  liên doanh đã không thành công. Các nhà bán lẻ ngoại vẫn có thế mạnh về vốn, tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người... đều hơn doanh nghiệp nội.

Sẽ có 1.300 siêu thị vào năm 2020!

Tại Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, một vài năm trở lại đây, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ đang gia tăng chóng mặt, chiếm 40%/hơn 700 siêu thị và trung tâm thương mại trên khắp cả nước. Theo quy hoạch của bộ Công thương, từ nay tới năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, tăng gần 650 điểm so với năm 2011. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm.

 

Theo Văn Chương (Đời Sống & Pháp Luật)