Mũ thời trang, rẻ tiền bỏ xó
Theo kế hoạch 69 của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, bắt đầu từ 1/7, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đội MBH rởm khi tham gia giao thông. Theo đó các trường hợp đội mũ không đủ 3 bộ phận bao gồm vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm, với mức phạt từ 100.000- 200.000 đồng.
Qua khảo sát của PV, trước thềm 1/7 trên đường chỉ còn số ít người đội mũ bảo hiểm "dởm" chủ yếu bằng nhựa dạng mũ lưỡi chai, mũ cối...
Tại các vỉa hè trên đường Láng, Khuất Duy Tiến, các cửa hàng bán mũ bảo hiểm dởm di động cũng ít dần, thoáng mới có một chỗ hoặc họ lui dần vào trong ngóc ngách để bán. Theo như người bán chia sẻ: "Bán cả ngày được vài chiếc, lãi lời không được mấy nhưng mà bị công an tóm thì cũng tội. Nên giờ ngồi bán cứ vừa mời khách vừa trông công an".
Không giống ở vỉa hè, tại các đại lý, cửa hàng bán mũ bảo hiểm MBH "xịn" có vẻ đắt khách. Mũ người lớn, loại ôm cả đầu có giá từ 300.000 đồng. Đặc biệt, loại dành cho người đi xe phân khối lớn, hầm hố có giá từ 1,5 - 1,6 triệu đồng. Mũ bảo hiểm nửa đầu giá dao động từ 220.000 - 350.000 đồng...
Tại đại lý mũ bảo hiểm trên đường Cầu Giấy, Hà Nội mấy ngày gần đây, lượng mũ "xịn" bán ra đã tăng hơn trước. Chủ đại lý này cho biết, trước đây, người dân thường mua mũ thời trang vỉa hè bởi sự trẻ trung, tiện lợi và rẻ. Các loại mũ này thường có nhiều kiểu đáp ứng cho khách hàng như mũ khoét sau dành cho nữ khách hàng búi tóc; hay thiết kế rất mỏng, nhẹ, chỉ đội đối phó, giá từ 20.000 - 50.000 đồng. Tuy nhiên, gần tháng trở lại đây lượng người hỏi mua mũ bảo hiểm "xịn" đông hẳn lên, dù phải trả số tiền lớn.
Anh Tuấn Anh cho biết: "Trước quy định của nhà nước, gia đình tôi chủ động thay mũ bảo hiểm hàng loạt. Ưu tiên các hãng mũ có uy tín để bảo vệ tính mạng cho cả gia đình vừa là chấp hành luật của nhà nước".
Đồng quan điểm trên, chị Khánh Linh ( Trung Hòa, Hà Nội) tâm sự: "Trước tôi từng chứng kiến cảnh một tai nạn thương tâm do đội mũ bảo hiểm dởm nên từ đó trở đi, muốn gì thì muốn tôi cũng phải sắm cho cả gia đình mũ bảo hiểm xịn. Trước ngày 1/7, mặc dù mũ của mọi người vẫn tốt nhưng tôi quyết định thay mới cho đảm bảo, vì mũ dùng lâu tem mác bảo hành bị mờ. Các loại mũ lưỡi trai thời trang giờ gia đình tôi bỏ xó hết".
Từ 1/7 người đi mô tô, xe máy đội những loại mũ này sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng
Nhiều người dân cố tình “lờ” quy định
Bên cạnh rất nhiều người dân chủ động thay các loại mũ thời trang thành MBH để tránh bị phạt thì vẫn còn không ít người dân thờ ơ và không chú ý tới quy định sẽ xử phạt người tham gia giao thông đội mũ không phải mũ bảo hiểm từ 1/7.
"Nếu không có quy định sắp tới là phạt người đi xe máy đội mũ không phải MBH chắc tôi chả thay, vẫn dùng mũ bảo hiểm cũ, vừa nhẹ, gọn và thời trang", chị Thu ( Cầu Giấy) cho biết.
Trường hợp của bác Thanh ( Nam Định) làm nghề xe ôm ở bến xe Mỹ Đình là ví dụ điển hình không chấp hành luật của nhà nước: "Khách của tôi toàn là cô sinh viên, bạn gái ăn mặc đẹp thế mà đội cái nồi cơm điện nặng trịch thì sao người ta chịu. Mũ rẻ tiền vừa đẹp vừa thời trang, gọn nhẹ nữa chứ tôi tiền đâu ra mà mua cái MBH xịn vài trăm nghìn, mất thì xót ruột lắm".
Mặc dù, người dân đã chủ động hơn trong việc thay mũ bảo hiểm trước là bảo vệ sức khỏe cho bản thân, sau là chấp hành quy định của nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trên thị trường hiện nay có quá nhiều cơ sở sản bán MBH, trong đó cũng có nhiều loại mũ thời trang có tem nhãn đàng hoàng nên khó khăn hơn cho người dân trong việc chọn lựa.
Những mẫu mũ sẽ bị xử phạt nếu người dân sử dụng để đi mô tô xe máy
Theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy là mũ có cấu tạo đủ 03 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định; đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN và được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có công văn thông báo gửi Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt các loại mũ có nhãn ghi là “mũ giành cho người đi bộ, thể thao”,...hoặc mũ bảo hiểm có hình dáng trong phụ lục kèm theo công văn này không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy theo quy định của pháp luật. Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa |
Thanh Uyên